Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Đức tin và sự cần thiết của Đức tin

Viết bởi Fx. Cẩm Trường   
Thứ năm, 18 Tháng 10 2012 00:00
T
Trong các mối quan hệ đời thường, khi ta đối diện với một ai đó, ta không thể biết họ là ai, làm nghề gì, từ đâu đến… nếu ta không tin người đó, và hơn nữa, ta không có cơ hội đón nhận lòng tốt của người đó nếu ta không tin tưởng họ.
Khi ta không sẵn sàng tin thì mọi sự đều đáng nghi ngờ, nghi ngờ cả đối với những thân nhân và ân nhân của ta, và thậm chí nghi ngờ cả chính ta.
Lòng tin đảm bảo cho ta rằng, giữa những gì người khác nói, người khác làm, về cái nhìn nội tâm cũng như những xác tín bên trong của người đó có sự phù hợp với nhau. Chỉ nhờ tin mà ta mới hiểu biết sâu xa hơn về tha nhân và về cả chính mình.
Bởi nếu chỉ nhờ vào phương pháp thực nghiệm, thì trong nhiều lĩnh vực quan trọng của thực tại vượt quá sự hiểu biết của ta, ta sẽ không bao giờ chấp nhận được.

Với Đức tin Kitô giáo, tin là sự con người tùng phục Thiên Chúa với lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Người, là sự gặp gỡ đích thân mỗi người với Chúa, đồng ý với các chân lý được mạc khải trong Thánh Kinh và sống theo Giáo lý được Giáo Hội sống và tuyên tín.

Đức tin Kitô giáo sẽ trả lời cho những vấn nạn về Ý Nghĩa của cuộc nhân sinh. Và chỉ nhờ tin vào Thiên Chúa là Tình Yêu mà con người mới nhận ra được sự hữu lý của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chính mỗi người và cho cả vũ trụ này.

1. Đức Tin Là Sự Gặp Gỡ

Khi gia nhập Kitô giáo, thì sự gia nhập đó không như khi chúng ta gia nhập một đoàn thể hay một tổ chức xã hội nào đó với việc chấp nhận tuân theo một số qui tắc và luật lệ, hoặc miễn cưỡng sống theo một lối sống đã được tổ chức sẵn.
Nhưng trước hết và trên hết, Kitô giáo là một niềm tin – một Đức tin! Đức tin đó chính là sự gặp gỡ cá vị giữa Thiên Chúa tình yêu với chính mỗi người, qua đó mỗi người sẽ khám phá ra tình yêu vô tận của Thiên Chúa trong chính cuộc sống của mình, của mọi người xung quanh và của cả vũ trụ này.

Khi đã đón nhận ơn Đức tin, người tin sẽ nhận ra được tình yêu Thiên Chúa đã, đang và sẽ vẫn luôn dành cho mình. Thiên Chúa vốn đã hiện diện trong cuộc đời mỗi người, nhưng khi tin thật nhờ biết đón nhận ơn Đức tin, người tin mới nhận ra Người.

Khi tin vào Thiên Chúa, Đức tin đó không đảm bảo sẽ mang đến cho người tin cũng như cho cộng đoàn tin một cuộc sống dễ dãi, những lợi lộc trước mắt, những may mắn tầm thường hay một sự bình an tạm thời.
Nhưng tin vào Thiên Chúa là sự người tin nhận ra và bước theo con đường tình yêu đưa tới thiện hảo, và chắc chắn người đó sẽ gặp được hạnh phúc và đạt tới Ý Nghĩa Đích Thực của cuộc đời mình.

Đức tin Kitô giáo không như là việc chấp nhận một hệ thống triết thuyết hay theo đuổi một học thuyết chính trị – xã hội, nhưng là một sự gặp gỡ và vươn đến sự gắn bó vĩnh viễn với Thiên Chúa ngôi vị. Chúng ta chỉ tin thật khi chúng ta sẵn sàng mở lòng ra với Thiên Chúa để từ đó chúng ta được đối diện với Người, gặp gỡ Người trong chính tâm hồn chúng ta, giãi bày lòng chúng ta với Người và nghe Người nói với chúng ta trong tận sâu lòng mình.
Khi đón nhận ơn Đức tin, chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện nơi người khác và trong chính cuộc đời này. Khi thực hành Đức tin, mọi hành vi của chúng ta sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn trên suốt hành trình cuộc đời.
Và khi được thừa kế gia sản Đức tin, cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn và chúng ta sẽ đủ can đảm để hy vọng vào tương lai của mình cũng như của cả thế giới, mặc dầu có thể có những bất trắc không thể lường trước được.

Đức tin Kitô giáo đồng nghĩa với việc tin nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu chuộc, là sự tự nguyện vâng phục, khiêm tốn trao dâng chính bản thân cho Người và sống theo giới răn yêu thương của Người.
Tin là cuộc gặp gỡ cá nhân một cách tự do với Thiên Chúa ngay chính trong tâm hồn của mỗi con người. Bằng cách này hay cách khác, Thiên Chúa làm cho mọi người cảm nhận sự có mặt của Người qua việc tự mạc khải Người trong nơi sâu thẳm của linh hồn mỗi người. Điều căn bản là con người có thiện chí và khiêm nhường đủ để nhận ra Chúa ngay chính trong tâm hồn mình hay không?

Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết về Người và đã “trò chuyện” với con người qua các mạc khải, đặc biệt qua mạc khải Thánh Kinh và đỉnh điểm là chính nơi Đức Giêsu Kitô.
Trong thực tế, có thể có những người đã sống các sứ điệp của Đức Kitô theo khả năng của lương tâm, vì thế một cách nào đó họ đã có mầm đức tin rồi. Và như vậy, mỗi người khi đến với Đức tin chính là sự họ cố gắng phát triển Đức tin đã có một cách tiềm tàng nơi chính họ thành một Đức tin Kitô giáo đầy đủ, mang hình thức công khai, và được tuyên xưng trọn vẹn trong Giáo Hội.

2. Đức Tin Là Sự Tín Thác

Đức tin Kitô giáo là sự con người đáp lại lời mời gọi kết hợp chặt chẽ và vĩnh viễn với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, chấp nhận giáo lý của Ngài bằng sự tự do và yêu mến. Đức tin đích thực luôn bao hàm một sự dấn thân trọn vẹn, một thái độ sống mở ra để đón nhận ân nghĩa của Thiên Chúa và liên kết với người khác trong cộng đoàn yêu thương của Giáo Hội cũng như trong các mối quan hệ xã hội khác nhau.

Như thế, Đức tin Kitô giáo không những tin có Thiên Chúa, tin vào giáo huấn và tình thương của Người, mà còn tin vào tha nhân cũng như vào chính cuộc nhân sinh này. Đức tin Kitô giáo còn là “cái gật đầu chấp nhận tiếng gọi xa hơn, cao hơn chính bản thân, để can đảm bước đi xa hơn lãnh vực khả tri, khả giác và khả nghiệm.”[1]

Ta có thể đặt vấn đề để biết tại sao mình tin, dù rằng Đức tin không thuộc lĩnh vực tri thức khoa học để có thể chứng minh bằng thực nghiệm. Tuy nhiên, Đức tin đích thực không đồng nghĩa với sự mù quáng hoặc phi lý, nhưng ngược lại, Đức tin chính là sự “hiểu biết” bằng cả hữu thể, bằng sự chấp nhận hoàn toàn tự do của lý trí và bằng cảm nghiệm sâu xa của con tim.
Đối với sự hiểu biết về Đức tin, triết gia Gabriel Marcel đã có một nhận định rất thực tế và sâu sắc: “không bao giờ có ai tin theo Đạo chỉ vì lý luận hay chứng cứ, cho dù chúng hợp lý đến đâu  chăng nữa!”

Khía cạnh đầu tiên của hành trình Đức tin hàm chứa cả một cuộc phiêu lưu đầy hào hứng và nhiều thú vị. Hết mọi điều ta có thể nghe, thấy và sờ chạm, nhưng chưa phải là tất cả, và thế giới mà chúng ta đang sống không chỉ nằm trong giới hạn của các quan năng. Ngay trong mớ vật chất tầm thường hiện diện trong thế giới này, vẫn còn vô vàn bí ẩn mà con người thông minh ngày hôm nay chưa thể lý giải được.
Con người mọi thời phải tìm đến một con đường khác để đạt được ý nghĩa đích thực của đời người – đó là sự tin nhận chân lý mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Cuộc phiêu lưu kỳ diệu và đầy thú vị của Đức tin sẽ dẫn ta đến với chân trời rộng mở, ở đó, ta mới có thể “hiểu” được cái không thể hiểu, “biết” được cái không thể biết!, bởi vì: “Đức tin đảm bảo cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1).

Cũng có thể chúng ta sẽ gặp phải không ít những khó khăn, bất trắc trong khi dấn thân cho Đức tin. Có một câu hỏi quyết liệt luôn đặt ra cho mọi người dấn thấn trên hành trình Đức tin của mình, rằng:
Tại sao chúng ta lại tín thác chính con người với hoàn toàn cuộc đời hiện tại và tương lai của chúng ta vào một vị Thiên Chúa không bao giờ xuất hiện như “một cái gì đó” có thể hiểu được, có thể nắm bắt được ở đây và lúc này ?
Nhưng câu hỏi quyết liệt trên lại dẫn đến một vấn nạn là: Nếu vị Thiên Chúa mà chúng ta muốn có hình hài như một cái gì đó và chỉ xuất hiện ở đây và lúc này thôi, thì có đáng cho ta hoàn toàn tín thác vào Người không ?

Thánh Kinh đã đưa ra khẳng định nền tảng về Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, và như thế, con người không thể nhìn thấy Người trong thế giới mà khả năng nhận biết bị xác định. Thiên Chúa là Đấng vượt xa nghìn trùng so với những gì được xác định bởi các quan năng của con người.

Động cơ của Đức tin là quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu, khi Người ngỏ lời với con người qua Mạc khải một cách thành thật và không thể sai lầm. Mạc khải đó có nguồn gốc thần linh và là những dấu chỉ đáng tin, được gieo vào lòng con người một cách nhưng không và hoàn toàn tự do, tạo ra một sự thay đổi thiêng liêng trong ý nghĩ, tình cảm và dự định sâu xa nhất của họ.
Tuy nhiên, con người cũng có nghĩa vụ phải tìm kiếm Đức tin, và việc tìm kiếm đó xuất phát từ khát vọng sâu xa, chân thành và một thái độ của tâm hồn khiêm tốn, kính cẩn; tìm kiếm phải được hiểu theo nghĩa sẵn sàng đón nhận ơn Đức tin. Hơn nữa, tìm kiếm và đón nhận Đức tin phải đi đôi với sự đổi mới cuộc sống để xứng đáng với ơn Đức tin ấy.

3. Đức Tin Cần Thiết Cho Con Người

Chúng ta có thể đặt ra một thắc mắc căn bản: Đức tin để làm gì ?
Xin thưa: Không để làm gì cả, nhưng nó thay đổi tất cả! Nhờ Đức tin, chúng ta không sống một mình trước cuộc sống, bởi vì có Thiên Chúa ở với ta. Đức tin “là một ơn của Thiên Chúa, được đưa vào trong kinh nghiệm của con người với một mức độ không thể tiên đoán được”, [2] để làm cho con người thành NGƯỜI hơn.

Đức tin theo cái nhìn hiện sinh như là sự chấp nhận và vâng phục Thiên Chúa vì và cho phần rỗi của mình cũng như lợi ích chân chính của tha nhân và thế giới nói chung. Thế nhưng, Đức tin không phải là điều lựa chọn một lần cho mãi mãi và cũng không phải chỉ nhờ một quyết định trong chốc lát mà có thể đạt được Đức tin hoàn hảo. Đức tin đòi hỏi sự kiên nhẫn dấn thân suốt cả đời người.
Để duy trì và lớn lên trong Đức tin, mỗi người phải chăm sóc, nuôi dưỡng nó bằng đời sống cầu nguyện, cử hành Phụng vụ và thực thi bác ái yêu thương liên lỷ. Nếu như vậy, hành trình Đức tin xem ra đầy chông gai và phải “đánh đổi” bằng cả cuộc đời để bước theo hành trình đó, như thế có đáng không ?

Chúng ta cũng thử đặt ra vài nghi vấn đơn giản: Nếu đức tin Kitô giáo là hão huyền thì qua hai ngàn năm với hàng tỉ người sống đức tin đó, họ dại sao? Nếu đức tin Kitô giáo là hão huyền thì bao nhiêu người lỗi lạc, xuất chúng trong lịch sử loài người, đã sống Đức tin đó, họ nhầm sao?!…

Một điều làm chúng ta đáng phải suy nghĩ là hầu như những người đã trải qua mọi sóng gió cuộc đời, nhưng khi về già họ thường tìm về với niềm tin tôn giáo.
Thế giới tinh thần mà con người luôn luôn vận động và nhắm tới là “cái thật cao và cái thật xa. Càng có tuổi thì nhu cầu hướng tới cái tận thiện tận mĩ, thậm chí tới cái vô cùng nữa càng mãnh liệt. Gần như là day dứt, một khắc khoải. Những day dứt và khắc khoải ấy có nhiễm chút nào cái hương vị tôn giáo? Hoặc chỉ là một nhu cầu rất tự nhiên của con người vốn không cam chịu dừng lại trước bất kì một giới hạn nào!”[3]
Tâm lý học ngày nay cũng xác nhận con người có nhu cầu tự nhiên thiết lập mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa trong tinh thần tùng phục và thờ lạy. Và người ta nhận thấy một nguyên nhân quyết định đưa tới các bệnh tâm lý và thần kinh của con người, nhất là khi bước sang nửa đời còn lại, đó là do thiếu niềm tin tôn giáo.
Nhiều chuyên gia tâm lý coi niềm tin tôn giáo và đời sống tâm linh như là điều kiện thiết yếu để có được sức khỏe tâm lý. Hơn nữa, như một sự tự nhiên, linh hồn của con người luôn luôn cảm thấy bị thôi thúc hướng tới một Cái Gì Đó Tuyệt Đối.
Đại văn hào Nga Dostoievsky (1822-1881) đã quả quyết: “khi không còn tin tưởng Thiên Chúa nữa thì con người có thể phạm bất cứ tội ác nào!” Như thế, Đức tin chân chính chắc chắn sẽ mang lại ơn cứu rỗi cho con người và làm lành mạnh hóa xã hội.

Tạm Kết

Ngày hôm nay, những ai nặng lòng ưu tư về đời sống văn hóa và đạo đức xã hội đều nhận ra mối nguy hiểm hiển nhiên đang ăn sâu vào lối sống của nhiều người, đặc biệt là các người trẻ, đó là sự tương đối hóa mọi giá trị.
Đối với những người trẻ hôm nay, niềm tin của họ vào những giá trị đích thực, khách quan và phổ quát dường như đã bị đánh cắp; những giá trị đích thực và các chân lí khách quan được xem như chỉ có ý nghĩa cá nhân mà thôi.
Lý tưởng sống đích thực của nhiều người trong xã hội hôm nay dường như bị đảo lộn. Xu thế thực hành cuộc sống một cách tự do phóng túng đang tràn lan trong xã hội không những gây ra biết bao nguy hiểm cho chính đời sống hiện tại của mỗi người mà còn nguy hiểm cho cả tương lai loài người nữa.

Để tìm lại được chính mình và trở nên NGƯỜI hơn, chắc chắn mỗi người chúng ta phải đặt vấn đề về Nguồn Cội của sự sống, về các giá trị hiện sinh và về Ý Nghĩa Cuối Cùng của chính mình và của cả nhân loại.
Và chỉ khi chấp nhận Đức tin để đi sâu vào trong mối tương quan với Đấng Tạo Hóa giàu lòng yêu thương – một mối tương quan vừa mang tính cá vị vừa mang tính cộng đồng trong Giáo Hội với một niềm tín thác hoàn toàn thì bạn, tôi cũng như mọi người khác mới tìm thấy được lời giải đáp cho tất cả.

Fx. Cẩm Trường
---------------------------
[1] P. Nguyễn Thái Hợp, Chút Này Làm Tin, Dấn thân – Houston, 2003, tr. 260.
[2] Michael  CASEY, Con Người Trọn Vẹn – Thiên Chúa Trọn Vẹn, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông chuyển dịch, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 30.
[3] Nhà văn Nguyễn Khải, “Mấy Lời Nói Lại Và Nói Thêm”, trên Tuần báo Văn Nghệ, số 11 (12.3.1988), tr. 3.

http://danchuahiepthong.com/index.php?option=com_content&view=article&id=7724:c-tin-va-s-cn-thit-ca-c-tin&catid=37:chia-s&Itemid=545

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét